Trường Trung cấp Nghề và Đào tạo cán bộ Hợp tác xã miền Nam

https://svct.edu.vn


Hỗ trợ đầu tư hạ tầng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX

Tỉnh Thanh Hoá hiện có 699 HTX nông nghiệp đang hoạt động; trong đó, chỉ có 130 HTX xếp loại tốt, đạt 20,5%; còn lại là các HTX hoạt động khá, trung bình và yếu. Nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả chưa cao, nhiều HTX không có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh là do hệ thống hạ tầng cơ sở kém. Do đó, những năm gần đây, UBND tỉnh đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; nhà kho, xưởng sơ chế, kho lạnh bảo quản... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các HTX.

25 3 13

HTX rau an toàn Xuân Thọ, xã Yên Thọ (Như Thanh) được hỗ trợ, xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất.

Nhờ những chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển sản xuất và nỗ lực của người dân, khu sản xuất của HTX rau an toàn Xuân Thọ, xã Yên Thọ (Như Thanh) đã quanh năm xanh mướt. Việc canh tác, sản xuất của người dân thuận lợi hơn, nhờ đó, doanh thu, lợi nhuận của HTX không ngừng gia tăng qua các năm. Ông Bùi Ngọc Thân, giám đốc HTX, cho biết: Dựa trên nhu cầu của thị trường về rau an toàn và mong muốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2018, HTX rau an toàn Xuân Thọ được thành lập, với 43 hộ tham gia sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện, HTX được hỗ trợ đầu tư khoảng 300 triệu đồng để phát triển hệ thống kênh mương dẫn nước, hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng và hệ thống điện phục vụ tưới tiêu cho 3 ha sản xuất và 50 triệu đồng phát triển 1.000m2 nhà lưới. Được đầu tư cơ bản hạ tầng, các hộ dân thuận lợi trong canh tác, vận chuyển và phát triển sản xuất quy mô lớn. Hiện, sản lượng rau an toàn bình quân của HTX đạt khoảng 40 tấn/năm, lợi nhuận 140 triệu đồng/ha/năm.

Không chỉ đầu tư về hạ tầng sản xuất mà nhờ những cơ chế, chính sách hỗ trợ được ngành nông nghiệp và các địa phương triển khai, lồng ghép, nhiều HTX đã xây dựng được nhà điều hành, nhà sơ chế sản phẩm và các cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm... góp phần tạo điều kiện cho các HTX nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng cạnh tranh và chất lượng sản phẩm, bảo đảm lợi ích và thu nhập của thành viên.

Theo thống kê của Liên minh HTX Thanh Hóa, giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 lượt HTX nông nghiệp được nhận cơ chế hỗ trợ từ các nguồn kinh phí lồng ghép. Tiêu biểu, như: Thực hiện Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã lồng ghép hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng cho một số HTX thông qua đề án phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí hỗ trợ là 5,861 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước 2,7 tỷ đồng, chiếm 40,1%; kinh phí đối ứng của các HTX là 3,161 tỷ đồng, chiếm 53,9%. Các HTX đã tập trung nguồn kinh phí được hỗ trợ vào xây dựng cơ sở, trang thiết bị sản xuất mạ khay, xây dựng nhà lạnh bảo quản hàng hóa nông sản theo chuỗi giá trị, xây dựng khu làm việc và trưng bày sản phẩm... Ngoài ra, theo Quyết định 4752/QĐ-UBND ngày 29-12-2014 về thực hiện Đề án ”Phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 – 2020”, các sở, ngành và UBND cấp huyện đã triển khai xây dựng 25 mô hình với các hạng mục đầu tư về cơ giới hóa, phát triển kết cấu hạ tầng. Tổng vốn thực hiện 23,216 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 12,5 tỷ đồng, các HTX đối ứng hơn 10,716 tỷ đồng. Sau khi thực hiện mô hình, các HTX đã phát triển, mở rộng các dịch vụ hoạt động, như: sản xuất rau an toàn, phát triển cơ giới hóa, liên kết bao tiêu sản phẩm,... Nhờ đó, ban quản lý HTX được củng cố, hoạt động chủ động và năng động hơn. Nhất là việc huy động thêm nguồn lực để đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ. Nhiều hộ thành viên được hưởng lợi từ mô hình, bình quân giá các dịch vụ khi thực hiện mô hình giảm từ 20% - 30% so với dịch vụ bên ngoài.

Việc hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước cùng việc huy động nguồn vốn của các HTX đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho HTX nông nghiệp có nơi làm việc, giao dịch với khách hàng; sản phẩm sau khi thu hoạch có nhà sơ chế, bảo quản bảo đảm chất lượng nông sản. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX thông qua việc tăng cường năng lực sản xuất, điều hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổ chức dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành viên, cộng đồng; tập huấn kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Bài và ảnh: Lê Hòa/ Báo Thanh Hoá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây