Tân Bộ trưởng NN&PTNT: Đừng xem nhẹ vai trò của hợp tác xã

Thứ sáu - 16/04/2021 09:51

Thời gian qua, đâu đó chúng ta còn xem nhẹ phát triển về hợp tác xã (HTX) mà chỉ tìm những "đại bàng" lớn về để thay đổi nền nông nghiệp của địa phương. Trong khi đó, thế giới hướng tới khi vận hành HTX là không chỉ đóng vai trò trung gian mà phải tham gia vào chuỗi giá trị của một ngành, một vùng nông sản...

Trong cuộc trò chuyện với báo chí trên cương vị mới, tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh tới vai trò đặc biệt của khu vực kinh tế hợp tác, HTX trong việc phát triển nền nền nông nghiệp Việt Nam giai đoạn tới.

Nguyen-Minh-Hoan-4232-1618472190.jpg

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

"Lót ổ cho chim sẻ"

Thưa Bộ trưởng, nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những bước ngoặt cực kỳ lớn khi mà Việt Nam đã tham gia nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Trên cương vị lãnh đạo của ngành, Bộ trưởng sẽ tập trung ưu tiên cho những nhiệm vụ nào?

-Thành tựu trong nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo Bộ NN&PTNT thời gian qua, nhất là nhiệm kỳ vừa rồi cho thấy, dù đứng trước một hành trình đầy sóng gió, nhất là trong bối cảnh năm vừa qua khi dịch COVID-19 làm đứt gãy nguồn cung-cầu, biến đổi khí hậu, sạt lở, hạn mặn, khan hiếm tài nguyên nước, thời tiết cực đoan... nhưng nông nghiệp vẫn phát triển, vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế, những chỉ tiêu Quốc hội giao đều hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu.

Đó là di sản để lại vừa là thuận lợi cho nhiệm kỳ sau vì có sẵn nền, nhưng cũng là áp lực cho nhiệm kỳ sau vì 5 năm sau lại là một sự thay đổi về không gian bên ngoài từ tình hình thế giới, cán cân thương mại, áp lực toàn cầu hóa sau đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng gay gắt... Vậy phải làm sao vẫn giữ được giá trị của nhiệm kỳ cũ và tạo ra được giá trị từ thành quả đó.

Ví dụ như sự việc tắc nghẽn kênh đào Suez, tưởng ở trời Tây thì không dính dáng gì đến mình, nhưng vì toàn cầu hóa nên không tránh khỏi bị tác động. Không có container để vận chuyển hàng hóa, tắc nghẽn các đơn hàng, đội giá hàng hóa... Việt Nam càng gia nhập sâu vào thế giới, độ mở lớn thì nền kinh tế càng dễ bị tổn thương.

Một đất nước phát triển mạnh thì cũng là yếu tố kích hoạt xuất khẩu của chúng ta, tác động trực tiếp ngay trái xoài, con cá tra, hạt lúa của chúng ta. Thành ra trong bối cảnh này, chúng ta luôn luôn ở một cái thế đừng bao giờ nghĩ chúng ta lúc nào cũng cầm "cán", mà phải đặt mình ở vị trí có lúc chúng ta ở cái "lưỡi" để chúng ta luôn luôn linh hoạt, vận động, tìm ra giải pháp để vừa chống chịu, vừa đứng vững hơn, chứ không phải chỉ đặt ra một kế hoạch với những con số đơn thuần.

Nông nghiệp muốn phát triển thì phải phát triển được hệ sinh thái của ngành, đó là doanh nghiệp, HTX, người nông dân, thưa Bộ trưởng?

- Xưa giờ chúng ta nói kinh tế nông nghiệp, đa phần là nghĩ về các tập đoàn lớn, doanh nghiệp (DN) lớn để dẫn dắt cơ cấu lại nông nghiệp. Nhưng khi được một đoạn đường thì thấy rằng số lượng DN nông nghiệp sẽ không đủ phủ kín trong bức tranh nông nghiệp. Bây giờ chúng ta có khoảng 20.000 DN nông nghiệp, nhưng chúng ta có vài chục triệu hộ nông dân. Những hộ nông dân đó vừa là người sản xuất nông nghiệp, vừa là những người tham gia vào những loại hình mang tính chất kinh tế hợp tác như HTX, hoặc khởi nghiệp dưới dạng các DN nhỏ và vừa ở nông thôn.

Do vậy, chúng ta phải xem lại những cái gì đang cản trở kinh tế nông thôn phát triển để đưa ra những cơ chế kích thích cho kinh tế nông thôn phát triển. Tuy nhiên, đầu tiên chưa nói tới cơ chế vận hành đang bị cản trở, mà nói về quan điểm, tư duy để phát triển kinh tế nông thôn. Có một thời gian chúng ta chỉ chú trọng tới những DN lớn trong nông nghiệp. Điều đó cũng quan trọng và cần thiết, vì chỉ có DN lớn mới dẫn dắt được xu thế thị trường, nhưng có đôi lúc chúng ta cũng thiếu mặn mà với DN nhỏ và vừa, nhưng thật ra mỗi loại hình đều có vai trò như nhau.

Đã là một hệ sinh thái thì cần có cây cổ thụ, cây cổ thụ muốn đứng vững giữa phong ba bão táp thì cần cả hệ sinh thái như mảng thực vật dưới chân, cây tầm gửi, cây tầng thấp... Trong hệ sinh thái đó, con voi với con kiến cũng có sứ mệnh như nhau. Có thể năng lực, sức mạnh khác nhau nhưng sứ mệnh như nhau.

Nếu chúng ta không thấy tầm quan trọng của nó thì sẽ bỏ lơ, giống như thời gian qua, đâu đó chúng ta xem nhẹ phát triển về HTX mà chỉ tìm những "con đại bàng lớn" về để thay đổi nền nông nghiệp của địa phương. Chúng ta quên rằng trong thiên nhiên, con chim sẻ nhỏ hơn con đại bàng, nhưng vô từ điển thì con chim sẻ chiếm 50% trong tổng số những loài chim biết bay. Nó ít, nhỏ nhưng số lượng lớn, cộng lại nó bằng như con đại bàng. Vậy nên trước tiên, chúng ta phải thống nhất lại vai trò của kinh tế nông thôn, trong đó còn những mô hình mà chúng ta còn ít chú trọng, ít chăm lo.

Khi đã thống nhất quan điểm thì cần xem xét cái gì đang cản trở kinh tế nông thôn phát triển. Vì sao HTX là tư tưởng của nhân loại, tập hợp những người yếu thế trong xã hội để tạo thành sức mạnh của số đông để đương đầu được với rủi ro của thị trường. Những quốc gia gần chúng ta, họ đánh giá HTX có vai trò rất lớn, như Thái Lan đặt tên Bộ là Nông nghiệp và HTX...

Vai trò của HTX là rất lớn, vậy cần làm thế nào để khu vực này thực sự trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, thưa Bộ trưởng?

- Chúng ta thường đánh giá bên ngoài là HTX yếu kém năng lực quản trị, nhưng chúng ta thiếu cơ chế để hỗ trợ. Thời gian qua, chúng ta thành lập rất nhiều HTX, HTX đã đóng góp một phần trong chuỗi liên kết, tức là HTX đứng ra liên kết kinh tế hộ để thu mua nông sản của các thành viên để đưa ra thị trường thông qua các DN, thương lái.

Tuy nhiên, đó chưa phải là bản chất, mô hình đầy đủ của HTX. Mục tiêu thế giới hướng tới khi vận hành HTX là HTX không chỉ tham gia vào chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, đóng vai trò trung gian, mà phải tham gia vào chuỗi giá trị của một ngành, một vùng nông sản. Tức là từ chuỗi liên kết tạo thành chuỗi giá trị. Chuỗi liên kết khác chuỗi giá trị ở chỗ: với nông sản đó, tôi liên kết, bao tiêu, đưa ra thị trường, nhưng ở chuỗi giá trị thì vẫn nông sản đó được phân loại, sơ chế, chế biến, đa dạng hóa.

Bài toán chi phí trong nông nghiệp 

Bộ trưởng hay dùng từ "người đồng hành" và cũng chia sẻ rằng chúng ta phải "lót ổ cho chim sẻ", vì chim sẻ số lượng lớn cộng lại bằng con đại bàng. Vậy, chúng ta sẽ đồng hành với người nông dân thế nào, thay vì đứng nhìn nông dân sản xuất theo phong trào?

Chúng ta đồng hành từ suy nghĩ của họ. Bắt đầu người nông dân thấy là chưa cần thiết phải thay đổi, chúng ta thuyết phục họ chấp nhận sự thay đổi đó.

Ví dụ, bây giờ mình đề nghị người nông dân đừng bán trái xoài tươi nữa mà làm nước ép, mứt, sấy dẻo... thì người nông dân hỏi bắt đầu từ đâu, ai giúp công nghệ? Giả sử Nhà nước giúp cho công nghệ thì vốn đâu để làm? Bình thường bán tươi được hết, giờ bảo quản giữ lại một phần để chế biến, thì nguồn lực ở đâu để có vốn tái sản xuất vụ sau? Nếu được Nhà nước hỗ trợ, người nông dân lại hỏi họ bán trái xoài quen rồi, thương lái quen rồi, nhưng giờ qua sản phẩm chế biến thì bán ở đâu?

Từ khi làm lãnh đạo tỉnh, tôi luôn nắm bắt suy nghĩ của người nông dân. Chúng ta phải đồng hành tiếp, là người dẫn dắt, làm sao để người nông dân thấy rằng mỗi câu hỏi của họ thì người lãnh đạo đều hiểu và trả lời được. Chúng ta không dùng từ đồng hành chung chung, đi kế bên, mà chúng ta đồng hành từ trong suy nghĩ, trăn trở của người nông dân. Bởi vì mọi thay đổi đều khó khăn lắm. Đã vượt qua được tâm lý rồi nhưng để vượt qua sự kiên trì, nhẫn nại đó là cả hành trình.

Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng nhiều khi nông nghiệp Việt Nam đang chạy theo số lượng, trong khi giá trị thu về thấp, bằng chứng là nhiều mặt hàng nông sản vẫn xuất thô, chưa xây dựng được thương hiệu. Bộ trưởng nhìn nhận ra sao về vấn đề này? 

Ngày xưa, mục tiêu của chúng ta là lấy năng suất, lấy sản lượng để phấn đấu thì tất cả các cấp ban ngành đều làm sao năng suất cây trồng cao hơn, sản lượng chăn nuôi nhiều hơn, nhiều khi không để ý chi phí bỏ ra là bao nhiêu. Trong các báo cáo chưa bao giờ đề cập chi phí bỏ ra bao nhiêu. Không đề cập tới chi phí thì chúng ta không phải là người làm kinh tế!

Kinh tế phải tính từ đầu ra và đầu vào. Nhiều khi bán 10 đồng, nhưng chi phí hết 9 đồng thì chỉ lời 1 đồng. Nhưng nhiều khi bán 8 đồng thôi, chi phí bỏ ra có 6 đồng thì vẫn lời 2 đồng. Doanh thu trong kinh tế học không nói hết được về lợi nhuận.

Khi chúng ta đi theo số lượng thì không tính toán được hết chi phí này. Đến giờ khi chuyển qua kinh tế thì chúng ta phải tính cả hai đầu, là làm sao bán được ở giá cao nhất, và làm sao chi phí sản xuất ở mức thấp nhất. Có thể nó không thể hiện bằng số lượng, sản lượng. Hay nói mình đứng nhất thế giới trong lĩnh vực ngành hàng nào đó, thế nhưng cái nhất thế giới đó nhiều khi chỉ là sản lượng đứng nhất, chứ chưa tính toán được thực sự giá trị gia tăng đứng nhất thế giới chưa?

Như vậy, tất cả những người bạn đồng hành của nông dân, trong đó có ngành nông nghiệp phải tư duy lại, trước tiên chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp. 

Lê Thúy (ghi)
vnbusiness.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

bn bottom
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây