Ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ai cũng biết anh Võ Ngọc Sơn ở xã Đại Minh là người bỏ công việc lương cao ở TP HCM về quê làm giàu từ trang trại. Bây giờ, mô hình chăn nuôi gà và heo giống của anh Sơn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Năm 2012, khi trở về quê ở xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, anh Võ Ngọc Sơn qua bên kia bờ sông Vu Gia thuộc huyện Duy Xuyên để lập trang trại chăn nuôi gà. Ban đầu, anh Sơn đầu tư nuôi 2.000 con gà siêu trứng. Mỗi tháng, trang trại của anh cung cấp ra thị trường 60.000 quả trứng.
Lấy ngắn nuôi dài, đến nay, trang trại gà của anh Sơn có gần 20.000 con gà. Làm ăn thuận lợi, Võ Ngọc Sơn tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại chăn heo giống Đài Loan với quy mô 600 con heo nái.
Anh Võ Ngọc Sơn tại mô hình sản xuất chăn nuôi theo chu trình khép kín, từ khâu sản xuất con giống đến tiêu thụ, giết mổ. |
Theo anh Võ Ngọc Sơn, mô hình sản xuất chăn nuôi này theo chu trình khép kín, từ khâu sản xuất con giống đến tiêu thụ, giết mổ. Năm 2017, sau khi trừ chi phí, anh Nguyễn Ngọc Sơn lãi 1,5 tỷ đồng.
“HTX chúng tôi chẳng những là tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người thanh niên ở địa phương mà còn cung cấp lượng thịt sạch lớn cho thị trường, cho người dân. Toàn bộ quá trình chăn nuôi, chế biến được giám sát của đơn vị đo lường chất lượng tỉnh Quảng Nam. HTX cũng đặc biệt liên kết được với những tổ hợp tác tạo việc làm, lập cho họ những tổ hợp tác và thu mua lại sản phẩm cung cấp đầu ra đầu vào cho họ”, anh Sơn cho biết.
Anh Võ Ngọc Sơn còn mở các đại lý chuyên cung cấp thức ăn cho heo, gà tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc và cung cấp con giống cho nhiều nơi. Anh Sơn đã thành lập HTX Nông nghiệp và dịch vụ kinh doanh tổng hợp Duy Đại Sơn, đóng tại xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên. Hợp tác xã này thu hút 150 lao động, chủ yếu là thanh niên, con em hộ nghèo hoàn cảnh khó khăn. Hàng tháng, mỗi lao động thu nhập ổn định từ 6 - 15 triệu đồng.
Làm việc tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ kinh doanh tổng hợp Duy Đại Sơn, anh Lê Quốc Hùng ở xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, đã làm việc ở đây được gần 3 năm, có thu nhập ổn định đủ để trang trải cuộc sống gia đình. “Được anh Sơn và HTX tạo điều kiện mỗi tháng tôi được trả lượng 6 triệu đồng đủ trang trải lo cho gia đình”, anh Hùng cho biết.Duy Đại Sơn là HTX đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam đăng ký hưởng ứng chương trình “mỗi địa phương mỗi sản phẩm”. HTX này cũng nằm trong 5 chuỗi sản phẩm an toàn của tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ kinh doanh tổng hợp Duy Đại Sơn chuyên cung cấp heo sạch cho bếp ăn các trường học, doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
Ông Văn Bá Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, HTX của anh Sơn sản xuất theo hướng chuỗi giá trị, từ sản xuất con giống đến tiêu thụ sản phẩm, đầu ra ổn định. Tại huyện Duy Xuyên hiện có 9 trang trại chăn nuôi tập trung lớn. Các mô hình này đã giải quyết cho hàng trăm lao động tại địa phương. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện hỗ trợ mặt bằng và giúp các hợp tác xã phát triển sản xuất.
“Phong trào chăn nuôi trên địa bàn huyện thời gian vừa qua theo hướng tập trung, quy mô trang trại lớn chiếm tỷ lệ rất cao. Huyện cũng đã quy hoạch một số vùng chăn nuôi tập trung và khuyến cáo các doanh nghiệp vào đầu tư. Trong đó, nổi lên là HTX Duy Đại Sơn đang phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị có đầu ra rất ổn định. Đây có thể nói là mô hình sản xuất thịt lợn sạch gắn với thị trường”, ông Năm cho biết thêm.
Theo VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn