Phát triển hợp tác xã gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 05/04/2021 08:35

Thời gian qua, nhiều địa phương đã đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã phù hợp điều kiện thực tiễn. Nhờ đó, không chỉ nâng cao thu nhập người dân mà còn góp phần giúp địa phương thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Sơn La hiện có 614 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 522 hợp tác xã so với đầu năm 2016. Nhờ đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, Sơn La đã xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường 14 nước (Australia; Pháp; Mỹ; Nhật, Nga...) chiếm 92% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng của tỉnh; giá trị nông sản tham gia xuất khẩu đạt 104,05 triệu USD; trong đó xuất khẩu được 21.077 tấn sản phẩm trái cây, bằng 19,4% tổng sản lượng xuất khẩu nông sản, đạt 16,143 triệu USD. Cũng nhờ chủ trương phát triển cây ăn quả và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đổi mới diện mạo đời sông nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, ba xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 46 xã so với năm 2015), bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã, không còn xã khó khăn đạt dưới năm tiêu chí về nông thôn mới.

cay 1616137404065244669889

Tham gia hợp tác xã Cây ăn quả, chăn nuôi Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu, Sơn La) người dân được bao tiêu sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Cường ở bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, Sơn La cho biết: "Tôi thấy trồng cây ăn quả trên đất dốc hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng các cây trồng truyền thống. Ví dụ một kg ngô chỉ bán được khoảng 4.000-5.000 đồng/kg, có lúc giá thấp điểm chỉ được 3.000 đồng/kg. Nhưng khi gia đình chuyển đổi sang trồng cây bưởi da xanh thì giá bán rất ổn định từ 25.000-30.000 đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập của gia đình cao gấp từ 10 - 15 lần so với trồng ngô". Cũng theo ông Cường, gia đình ông tham gia hợp tác xã nên được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc. Cùng với đó, được mua cây giống, phân bón chất lượng cao. Đặc biệt là được bao tiêu sản phẩm nên không lo được mùa mất giá. Nhờ đó, các gia đình tham gia hợp tác xã đều có thu nhập cao hơn trước.

Tại tỉnh Phú Yên, các HTX là những đơn vị kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả và có những đóng góp thiết thực trong hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống người dân ở hai huyện đạt chuẩn NTM. 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa) chia sẻ: Cách đơn vị đồng hành cùng chính quyền địa phương trong xây dựng NTM là làm tốt công việc của mình cùng hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống của người dân. Ở HTX, sản xuất lúa vẫn là nguồn thu nhập chính nên đơn vị chủ động thay đổi phương thức canh tác. HTX làm lúa chất lượng cao theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ và cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá cao hơn giá thị trường… HTX còn mở nhiều dịch vụ khác như thu gom rác thải, kinh doanh xăng dầu, bán rượu tằm, thủy lợi nội đồng, … Các dịch vụ này cho tổng doanh thu từ 20-22 tỉ đồng/năm. Nhờ đó chia lãi vốn góp cho bà con luôn đạt năm sau cao hơn năm trước. Thành viên không chỉ có thu nhập từ sản xuất mà còn từ nguồn vốn góp.

Theo ông Nguyễn Tấn Chân, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, địa phương hiện có 1 liên hiệp HTX và 13 HTX, số thành viên HTX phát triển trên 18.200 người. Tổng vốn hoạt động của các HTX khoảng 65 tỉ đồng. Doanh thu bình quân trên 6 tỉ đồng/HTX, lãi bình quân 160 triệu đồng/HTX. Từ đây không chỉ giúp 10/10 xã của huyện trở thành xã NTM mà còn tiếp tục giúp các xã, huyện hướng tới xã NTM nâng cao, huyện NTM nâng cao.

Còn tại các địa phương khác, các HTX, tổ hợp tác đã và đang tích cực tạo ra chuỗi liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa nhằm từng bước đổi thay chất lượng sống cho người dân. Ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) cho hay: Nỗ lực trong nhiều năm qua đến nay sản phẩm dầu đậu phộng của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong quy hoạch sản xuất, tổ chức dịch vụ, tăng hiệu quả hoạt động của HTX cũng như củng cố lòng tin của bà con vào kinh tế tập thể. Đối với người dân, từ đây sẽ mở ra cơ hội thoát nghèo làm giàu từ cây trồng truyền thống của địa phương.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) cho biết: Nếu OCOP là làn gió mới của chương trình xây dựng NTM thì các HTX là một trong những nhân tố quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện sản phẩm OCOP. Những HTX có sản phẩm tham gia vào chương trình này đều là những mô hình sản xuất hiệu quả khi hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ.

Theo Báo Dân Sinh

bn bottom
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây