Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp là đơn vị đầu tiên của tỉnh chuyển đổi mô hình theo Luật HTX năm 2012. Gắn với những thành công của thương hiệu gạo sạch Tân Cường, không thể không kể đến những đóng góp của cựu chiến binh Nguyễn Văn Trãi.
Ông Trãi tặng quà là sản phẩm gạo sạch Tân Cường cho Đoàn công tác huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
“Vạn sự khởi đầu nan”
Câu chuyện lập thân, lập nghiệp của ông Nguyễn Văn Trãi (Hai Trãi) bắt đầu từ năm 1982 khi ông xuất ngũ sau khi hoàn thành nhiệm vụ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. “Cuộc chiến” mới mà ông tham gia là cải tạo đồng đất nhiễm phèn của vùng Đồng Tháp Mười. Tích lũy được lưng vốn và kinh nghiệm làm ăn, ông quyết định dắt díu vợ con đến xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp để sinh cơ, lập nghiệp.
Nhờ chịu khó “một nắng hai sương”, giỏi tính toán trong làm ăn và biết tích lũy vốn liếng, đến nay, gia đình ông đã sở hữu hàng chục hécta đất ruộng, cùng nhiều máy móc hiện đại phục vụ sản xuất và đời sống…
Ông Trãi cho biết, cuộc sống của gia đình ông bắt đầu sang một trang mới từ khi ông cùng với bà con nông dân đóng góp công sức, tiền của thành lập HTX nông nghiệp và được UBND xã Phú Cường cử đi học Luật HTX, rồi được bà con tín nhiệm chỉ định đứng ra làm Chủ nhiệm HTXDVNN Tân Cường.
HTXDVNN Tân Cường được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2000 trên cơ sở một tập đoàn sản xuất của huyện. Tiếp chuyện tôi, cựu binh Trãi bồi hồi nhớ lại: “Mặc dù HTXDVNN Tân Cường ra đời trong thời điểm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dư âm trong tiềm thức của nông dân về hàng loạt HTX tín dụng bị đổ bể trước đây, nhưng chúng tôi vẫn đặt quyết tâm xây dựng bằng được HTX kiểu mới”.
Hơn 15 năm hoạt động, dưới tài điều hành linh hoạt, quản lý chặt chẽ của Chủ nhiệm Nguyễn Văn Trãi, HTXDVNN Tân Cường đã gặt hái được những thành công nổi bật, được đánh giá là một trong những HTX nông nghiệp nằm trong tốp đầu của tỉnh Đồng Tháp, nhất là về các khâu làm dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm tăng giá trị lợi nhuận, thu nhập cho nông dân...
Ông Nguyễn Văn Trãi chia sẻ: “Năm 2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã chọn HTXDVNN Tân Cường để thực hiện cánh đồng hiện đại, với 430ha. Sau khi thực hiện thắng lợi, diện tích sản xuất lúa Jasmine 85 giống nguyên chủng mang lại lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/ha; năm 2010, Sở tiếp tục chọn HTX để thực hiện cánh đồng hiện đại với 860ha và tiếp tục thắng lợi, mang lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/ha…”.
Qua 2 năm thực hiện cánh đồng hiện đại ở HTXDVNN Tân Cường, giá trị tăng thêm cho HTX khoảng 2,5 tỷ đồng; từ đó, đông đảo xã viên đồng tình hưởng ứng bằng việc đầu tư vốn trang ủi bằng mặt ruộng, bồi hoàn cho những hộ có đất bị mất khi thi công cơ sở hạ tầng...
Xứng danh “Giám đốc của nông dân”
Cuối tháng 10/2014, HTXDVNN Tân Cường đã chính thức tổ chức đại hội thành viên chuyển đổi mô hình theo Luật HTX năm 2012. Đây là HTX đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi mô hình theo Luật HTX năm 2012 để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại.
Sau chuyển đổi, HTXDVNN Tân Cường còn thành lập Xí nghiệp chế biến lúa gạo, hạch toán độc lập theo Luật HTX năm 2012; từng bước xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị sản xuất lúa gạo theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.
HTX cũng thực hiện mô hình cánh đồng hiện đại có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, sản xuất lúa theo quy trình VietGAP; phối hợp với Công ty Cổ phần dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện Chương trình “Cùng nông dân ra đồng”, hướng dẫn xã viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng lúa, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho xã viên.
Nhờ đó, mỗi ha lúa áp dụng khoa học kỹ thuật đã lãi từ 23 - 25 triệu đồng. Nhờ hoạt động có hiệu quả nên HTX thu hút được nhiều xã viên tham gia. HTX còn phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên hướng dẫn nông dân kỹ thuật trong sản xuất.
Với sự nhạy bén, linh hoạt của “thuyền trưởng” - Giám đốc Nguyễn Văn Trãi, nhiều năm qua, “con tàu” HTX kiểu mới mang tên Tân Cường hoạt động rất hiệu quả, lãi chia theo cổ phần năm sau luôn cao hơn năm trước; mỗi lao động có thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, HTXDVNN Tân Cường đã phát hiện và mở rộng được hơn 20ha đất canh tác lúa tím than và tổ chức xay xát, đóng gói thành phẩm gạo tím than mang thương hiệu: “Gạo tím than Tân Cường”.
Nhiều đối tác từ Nhật Bản, Hoa Kỳ đã đến tham quan và đặt vấn đề thu mua với HTX. Thị trường tiêu thụ của loại gạo này hiện tại chủ yếu ở các tỉnh lân cận và TP HCM, với giá bình quân 30.000 đồng/kg gạo đã đóng gói, nên HTX đang cải tiến mẫu mã bao bì để giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng. Ông Trãi chia sẻ, nhờ sản phẩm mới này, trung bình mỗi năm lợi nhuận của HTX đạt trên 2 tỷ đồng, thu nhập bình quân của xã viên HTXDVNN Tân Cường từ 4 triệu đồng/tháng trở lên.
Đổi mới sản xuất với thương hiệu gạo sạc
Từ vụ hè thu năm 2016, HTXDVNN Tân Cường bắt đầu dành 10ha đất sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm để cho ra sản phẩm gạo sạch. Hai loại giống lúa chủ lực được HTX chọn là RVT và Thiên Ưu 8. Đây là hai loại giống lúa mới được áp dụng gieo trồng lần đầu tại HTX.
Quá trình canh tác được áp dụng theo quy trình VietGAP, giúp tăng lợi nhuận cho bà con hơn 13 triệu đồng/ha. Hầu hết các thành viên HTX đều phấn khởi và cho rằng, sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm không phải khó thực hiện.
Ông Trần Văn Hướng, thành viên HTXDVNN Tân Cường - là một trong những người thực hiện mô hình này, chia sẻ: “Lúc đầu tham gia mô hình này tôi lo ngại lắm, nhưng khi thực hiện thấy không có khó khăn gì, sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân hóa học góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, lúa phát triển rất tốt, khi xay xát, gạo đạt chất lượng hơn, ngon hơn, sạch và an toàn hơn, bởi không có dư lượng thuốc trừ sâu…”.
Sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm đã thành công bước đầu. HTXDVNN Tân Cường sẽ triển khai, nhân rộng lên 20ha trồng 2 loại giống lúa trên và xây dựng thêm một nhà máy xay xát, chế biến gạo riêng đạt chuẩn HACCP, đặt cạnh cánh đồng lúa sạch để thuận tiện cho việc chế biến, đóng bao bì, với nhiều chủng loại sản phẩm gạo sạch có thương hiệu độc quyền, như: “Gạo Hoa Sen”, “Gạo Hương Sen”, “Gạo Đài Sen”…
Giám đốc Trãi cho biết: “Tất cả sản phẩm gạo của HTXDVNN Tân Cường đều được bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng; người sản xuất cũng bảo đảm sức khỏe; vệ sinh môi trường đồng ruộng được tốt hơn.
Chúng tôi cũng cam kết bước đầu thu mua lúa sạch của bà con cao hơn thị trường tại thời điểm 500 đồng/kg để từng bước xây dựng thương hiệu gạo sạch riêng của HTX và nâng cao giá trị hạt gạo”.
Không chỉ điều khiển con thuyền HTX đi đúng hướng mà Giám đốc Nguyễn Văn Trãi rất quan tâm đến việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hàng năm, ông Trãi đều tiên phong thực hiện nghiêm việc kê khai thuế và trích nộp các khoản thuế đầy đủ, kịp thời và đúng luật định.
Lãnh đạo Chi cục Thuế huyện Tam Nông cho biết: “HTXDVNN Tân Cường do ông Nguyễn Văn Trãi làm Giám đốc thực hiện rất tốt chính sách thuế của Nhà nước. Chi cục Thuế huyện Tam Nông hàng năm đều biểu dương, khen thưởng HTX và ông Nguyễn Văn Trãi, đồng thời đề nghị về Bộ Tài chính, UBND và Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp khen thưởng kịp thời”.
Ông Hồ Văn Lợi - Bí thư Huyện ủy Đất Đỏ làm Trưởng đoàn công tác huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về mô hình kinh tế tập thể tại huyện Tam Nông.
Sau khi đi tham quan, tìm hiểu thực tế tại HTXDVNN Tân Cường phải thốt lên: “Chúng tôi ấn tượng rất sâu sắc với những hoạt động hiệu quả đáng nể của HTXDVNN Tân Cường, nổi bật là cách thức điều hành, hoạt động đạt hiệu quả của ông Giám đốc HTX theo phương châm “Vì lợi ích và lợi nhuận” để thu hút các thành viên nhiệt tình tham gia vào HTX. Đây mới đúng là một HTX kiểu mới, điển hình của điển hình!”.
Nhiều năm qua, HTXDVNN Tân Cường và Cựu binh - Giám đốc Nguyễn Văn Trãi đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của T.Ư và chính quyền tỉnh, huyện, xã... Mới đây, anh được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn là một trong 5 doanh nhân tiêu biểu của tỉnh.
Tuy nhiên, ông lại rất khiêm tốn bộc bạch: “Tôi chỉ làm với lương tâm, trách nhiệm và mong muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình trong tiến trình phát triển mô hình kinh tế hợp tác và HTX của địa phương, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người nông dân, cũng chính là thực hiện chính sách đúng đắn của Nhà nước ta về đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chủ trương xây dựng nông thôn mới”...
Theo báo Pháp Luật
Những tin mới hơn