Tỉnh Tiền Giang đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ hợp tác xã phát triển bền vững, với mục tiêu đến năm 2020 thành lập thêm ít nhất 44 hợp tác xã nông nghiệp, có ít nhất 24 hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tham gia dự án lúa và rau công nghệ cao địa phương đang triển khai đồng thời có ít nhất 75 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tham gia liên kết tiêu thụ nông sản bền vững với doanh nghiệp.
Mở rộng diện tích chuyên canh thanh long trên vùng Đồng Tháp Mười.
Ảnh: Nguyễn Nam Thái - TTXVN
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa, trong hai năm 2019 – 2020, tỉnh dự kiến huy động khoảng 40,5 tỷ đồng phát triển kinh tế hợp tác; trong đó có trên 32 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, còn lại là vốn ngân sách tỉnh và vốn đối ứng của các hợp tác xã.
Bên cạnh đó, Tiền Giang quan tâm tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp, tích cực vận động hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã gắn với triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện để các Hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận được đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ của nhà nước theo qui định.
Trọng tâm hỗ trợ bao gồm: Đào tạo nguồn nhân lực; đưa cán bộ trẻ về làm việc có thời hạn ở Hợp tác xã; kết cấp hạ tầng cho các hợp tác xã; xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ tiếp cận vốn và hỗ trợ về đất đai…
UBND tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu liên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Liên minh các Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang phối hợp, có biện pháp cụ thể và hữu hiệu củng cố, nâng chất lượng hoạt động của mạng lưới các hợp tác xã nông nghiệp hiện hữu, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nông dân xã viên hưởng lợi.
Đặc biệt, các ngành chức năng xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và những chương trình, dự án liên quan sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhân rộng những mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp; giải thể những hợp tác xã quá yếu kém không có khả năng củng cố, nâng chất lượng.
Theo kế hoạch, tỉnh đưa 24 hợp tác xã nông nghiệp tham gia vào Dự án vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến 2025 trên diện tích 2.300 ha; 20 hợp tác xã tham gia vào Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững nhằm hình thành chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ lúa gạo cho xã viên và nông dân tại các địa bàn trọng điểm về trồng lúa năng suất cao.
Tiền Giang hiện có 111 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động thu hút gần 3 vạn thành viên trong đó có 53 hợp tác xã trồng trọt, chiếm 51,5%, còn lại là các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, cung cấp nước sạch nông thôn...
Minh Trí/dantocmiennui.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn