Nhằm mục đích tăng cường các chuỗi giá trị ứng dụng các phần mềm chuyển đổi số đến tay người tiêu dùng trong khuôn khổ của Dự án “Thúc đẩy phát triển bền vững chuỗi giá trị lúa chất lượng cao, phát thải thấp thông qua ứng dụng phần mềm chuyển đổi số” của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Từ ngày 2-4/7/2025 tại TP. Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT phối hợp với Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam tổ chức Hội nghị khởi động dự án thúc đẩy phát triển bền vững chuỗi giá trị gạo chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL và Tổ chức Lớp tập huấn giảng viên nguồn (ToT) hướng dẫn và sử dụng phần mềm Hanbai triển khai Đề án 1 triệu ha lúa CLC, giảm phát thải vùng ĐBSCL.
Tham dự Hội nghị Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường có: Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; Ông Lê Trọng Đảm - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường. Dự án Thúc đẩy phát triển bền vững chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp thông qua ứng dụng phần mềm Chuyển đổi số tại khu vực ĐBSCL của Việt Nam là bước tiến mới trong việc thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh đến năm 2030. Dự án khởi động hôm nay đánh dấu bước phát triển quan trọng khi lần đầu tiên 03 phần mềm được tích hợp triển khai đồng bộ đến hàng trăm HTX tại ĐBSCL. Đây không chỉ là giải pháp công nghệ, mà là nền tảng để nâng cao năng lực quản trị, cải thiện thu nhập cho nông dân và mở rộng kết nối thị trường trong - ngoài nước. Dự án không chỉ mang lại lợi ích cụ thể cho người nông dân, HTX và doanh nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam mà còn góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 66-NQ/TW về hoàn thiện thể chế; và các mục tiêu phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Lớp giảng viên nguồn TOT là các cán bộ Sở Nông nghiệp và Môi trường, Liên minh HTX 12 tỉnh vùng ĐBSCL và giảng viên 05 Trường thuộc Bộ là: Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (TP HCM); Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Nam Bộ (Bình Dương); Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ (Tiền Giang); Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ (Cần Thơ); Trường Trung cấp nghề và Đào tạo Cán bộ HTX miền Nam (Long An). Các cán bộ tham gia lớp tập huấn là những cán bộ đang làm nhiệm vụ quản lý, hỗ trợ HTX; có kiến thức bán hàng, kế toán; có kinh nghiệm sử dụng các phần mềm, ứng dụng (Zoom…). Mục tiêu đạt được của lớp ToT là đào tạo cho 46 giảng viên nguồn nắm được các cách thao tác trên phần mềm Quản lý bán hàng và liên kết giữa các phần mềm Nhật ký sản xuất FaceFarm, Phần mềm Kế toán WACA... ; có thể hướng dẫn lại giám đốc và cán bộ kỹ thuật HTX sử dụng phần mềm; hỗ trợ HTX nhập liệu thực tế trong công tác quản lý bán hàng (mô hình mẫu). Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến mong muốn khóa đào tạo giảng viên nguồn (TOT) giúp các học viên làm chủ công cụ phần mềm và ứng dụng phù hợp với thực tiễn địa phương; chia sẻ, truyền cảm hứng và dẫn dắt các HTX thực hiện chuyển đổi số hiệu quả; và quan trọng nhất, là trở thành cầu nối giữa chính sách – công nghệ – người dân, giúp hình thành những mô hình HTX điển hình, minh chứng cho sự thay đổi thực chất. Nhân dịp Hội nghị, Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến cũng gửi lời cám ơn đến Công ty Sorimachi Việt Nam, đơn vị đã đồng hành kiên định, tâm huyết và có tầm nhìn chiến lược trong suốt hành trình hợp tác cùng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.
Theo: dcrd.gov.vn
Những tin cũ hơn