An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Năm 2024, An Giang triển khai 21 nghìn ha lúa theo quy trình thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với với hàng chục mô hình, mỗi mô hình 50ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Lợi nhuận tăng 3,6 - 5,3 triệu đồng/ha
Ngày 17/12, UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đến năm 2030 tại An Giang.
Ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn thứ 2 vùng ĐBSCL với sản lượng hàng năm từ 4 - 4,1 triệu tấn, đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.
Tham gia Đề án, An Giang đã ban hành kế hoạch với mục tiêu đạt 150 nghìn ha vào năm 2030. Sau 1 năm triển khai, kế hoạch bước đầu đã có kết quả tích cực, nhiều địa phương vào cuộc, tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm vững chủ trương và mục tiêu Đề án.
Các mô hình sản xuất lúa theo quy trình của Cục Trồng trọt đã được thử nghiệm thành công trong vụ thu đông 2023, khẳng định tính khả thi của việc mở rộng sản xuất theo hướng chất lượng cao, bền vững. Thời gian tới, An Giang đẩy mạnh nâng cao năng lực của các hợp tác xã (HTX), thu hút doanh nghiệp tham gia và đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo thương hiệu lúa gạo an toàn, phát thải thấp. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đồng hành thực hiện thành công mục tiêu của Đề án.
Hiện An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 HTX nông nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, qua 1 năm An Giang triển khai Đề án, đã mang lại kết quả cao, giúp nông dân trồng lúa có lãi và giảm phát thải. Đây là tiền đề để Đề án càng ngày được lan rộng hơn ở các năm tiếp theo tại An Giang.
Trong năm 2024, An Giang triển khai 21 nghìn ha sản xuất theo quy trình của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với với hàng chục mô hình, mỗi mô hình 50ha (tổng diện tích 900ha tại 9 huyện, thị, thành phố) và 4 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ NN-PTNT với diện tích 52ha tại 4 huyện Phú Tân, Châu Thành, Tri Tôn và Thoại Sơn. Huyện Phú Tân và Châu Phú đã triển khai 165ha theo quy trình 1 của Đề án lúa chất lượng cao, phát thải thấp trong vụ thu đông vừa qua.
Song song với các mô hình, An Giang cũng đã triển khai 93 lớp tập huấn tuyên truyền về thực hiện các tiêu chí 1 theo Đề án và 12 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác theo đúng tiêu chí của Bộ NN-PTNT tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Kết quả tổng kết các mô hình cho thấy đã giảm lượng giống gieo sạ được 67 kg/ha (mô hình 80kg/ha, ruộng đối chứng từ 120 - 170 kg/ha). Về năng suất, ruộng mô hình trung bình cao hơn đối chứng 0,1 tấn/ha (mô hình là 6,5 tấn/ha, ruộng đối chứng 6,4 tấn/ha). Chi phí sản xuất giảm trung bình 4 - 5 triệu đồng/ha. Lợi nhuận mô hình cao hơn đối chứng từ 3,6 - 5,3 triệu đồng/ha.
Các mô hình điểm được thực hiện theo quy trình sản xuất của Đề án để làm cơ sở cho người sản xuất có cơ hội tham quan, học tập và làm theo, làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tới. Bước đầu, với những kết quả khả quan của mô hình điểm, đã có tác động giúp nông dân thay đổi dần tập quán và tư duy trong việc sản xuất theo hướng bền vững và tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất một cách chặt chẽ.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL đang mang lại kết quả tốt cho người trồng lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Đến nay, ngoài 1.117ha trong mô hình được áp dụng triệt để theo các yêu cầu kỹ thuật của quy trình theo Đề án, toàn tỉnh còn ghi nhận diện tích cơ bản đạt theo quy trình là 7.419ha/20.690ha (đây là phần diện tích được phát triển từ Dự án VnSAT đến cuối năm 2023 với 22.310ha, các diện tích này đã đáp ứng các yêu cầu của quy trình “1 phải 5 giảm”, trong số đó có 36% diện tích đáp ứng chỉ tiêu thu gom rơm. Về cơ giới hóa, đã áp dụng trong các mô hình theo Đề án đạt trên 70% các khâu trong sản xuất lúa.
Hiện An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 HTX nông nghiệp đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Ông Trần Văn Lô Ba, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thạnh (An Giang) nhấn mạnh vai trò quan trọng của HTX và tổ hợp tác trong việc tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và liên kết tiêu thụ lúa trong Đề án. Ông cho rằng, mô hình liên kết nông hộ, HTX và doanh nghiệp đã mang lại lợi ích thiết thực, giúp ổn định đầu ra cho nông dân, tạo vùng nguyên liệu lớn, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa.
HTX Phú Thạnh đã hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời và các doanh nghiệp khác để tiêu thụ lúa đạt tiêu chuẩn của EU, góp phần xây dựng chuỗi giá trị bền vững. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra khó khăn như diện tích sản xuất nhỏ lẻ, biến đổi khí hậu, thiếu đa dạng đối tác tiêu thụ và nhận thức chưa đồng đều về vai trò của HTX. Ông đề xuất giải pháp nâng cao tuyên truyền, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và hoàn thiện cơ chế liên kết để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khuyến khích An Giang đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp chính xác trong sản xuất lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL đang mang lại kết quả tốt cho người trồng lúa, đây được xem là cuộc cách mạng để phát triển ngành hàng lúa gạo ngày càng mạnh và rộng hơn. Đồng thời xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam giảm phát thải để bạn bè quốc tế biết đến ngày càng nhiều.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh mục tiêu tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế tiêu dùng xanh toàn cầu. Bộ trưởng chỉ rõ, phát triển nông nghiệp bền vững không thể chỉ chú trọng vào năng suất và sản lượng mà cần hướng đến giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo. Đồng thời đảm bảo môi trường và sức khỏe nông dân.
Bộ trưởng đề nghị các cấp chính quyền, doanh nghiệp và HTX phải đồng hành cùng nông dân. Doanh nghiệp cần cam kết thu mua lúa gạo với giá cao hơn thị trường nhằm khuyến khích nông dân tham gia HTX, tạo động lực hợp tác và nâng cao lợi nhuận. Tuy nhiên, để đạt được sự bền vững, Bộ trưởng cho rằng điều quan trọng là nâng cao năng lực nông dân thông qua các hoạt động khuyến nông, phổ biến kỹ thuật canh tác chính xác và hiệu quả.
Đặc biệt, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình 1 trong Đề án triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Bộ trưởng khuyến khích An Giang đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp chính xác, các mô hình sản xuất lúa giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc BVTV và phát thải nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và giá trị hạt lúa. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn bảo vệ môi trường, cải thiện sức khỏe đất và đa dạng sinh học.
Bộ trưởng lưu ý, quá trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo phải dựa trên hệ sinh thái liên kết giữa chính quyền, doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc hiện đại cũng như đảm bảo ổn định đầu ra. Chính quyền và các cấp ủy cần sát cánh, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn kịp thời, từ đó tạo niềm tin và sự gắn bó của nông dân với chuỗi sản xuất.
Theo báo nongnghiep.vnBộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông trong việc thay đổi tư duy nông dân và các bên liên quan. Các tài liệu kỹ thuật khuyến nông cần được trình bày dễ hiểu, trực quan để bà con áp dụng hiệu quả. Bộ trưởng kỳ vọng An Giang sẽ là địa phương tiên phong trong xây dựng hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo bền vững, góp phần nâng cao thương hiệu và giá trị lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn