Các HTX tại Bình Thuận được quan tâm triển khai đồng bộ và kịp thời, góp phần từng bước gỡ khó cho các HTX, Qũy tín dụngtrên địa bàn tỉnh.
Đến nay, Bình Thuận đã có 201 HTX trong đó có 199 HTX và 2 Liên hiệp HTX, tăng hơn 60 HTX so với năm 2016. Trong đó, 22 HTX ứng dụng công nghệ cao, 60 HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho thành viên. 25 HTX sở hữu sản phẩm OCOP cấp tỉnh đến đầu năm 2021, trong đó, tập trung ở các ngành hàng chủ lực như: thanh long hữu cơ, rau ăn lá, sầu riêng, lúa gạo, nước mắm truyền thống và chế biếnhải sản.
Các HTX ở Bình Thuận đã có những đổi mới quan trọng, không chỉ trong phát triển kinh tế, mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia mà còn góp phần quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đồng chí Phan Đình Khiêm – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận phát biểu chỉ đạo Đại Hội thường niên HTX Thanh long Hòa Lệ
HTX dịch vụ, sản xuất thanh long Hàm Minh 30 là mô hình kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đây là một trong những HTX nông nghiệp thành công nhất trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Hiện nay, HTX có 11 thành viên tham gia sản xuất 20 ha thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP. Hầu hết diện tích đều được ứng dụng cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, đang từng bước tạo nên một vùng chuyên canh cây thanh long theo hướng sản xuất hàng hóa. Theo bà Lê Phương Chi, Giám đốc HTX dịch vụ, sản xuất thanh long Hàm Minh 30, sản xuất thanh long sạch theo hướng VietGAP, Global GAP mở ra một hướng đi an toàn và bền vững cho trái thanh long, đây cũng là xu hướng chung của thế giới. Vì vậy, để tồn tại không còn cách nào khác là người nông dân phải tham gia sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ an toàn bền vững.
Dây chuyền sản xuất rượu từ trái thanh long của HTX thanh long Hàm Đức.
Không chỉ sản xuất thanh long an toàn, HTX Hàm Minh 30 còn ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và ký hợp đồng với nông dân để sản xuất theo quy trình liên kết chuỗi giá trị. Từ đó tạo nên một chu trình khép kín trong sản xuất, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu thanh long; khuyến khích tiêu thụ nông sản bằng hợp đồng có định hướng để mở ra hướng đi tích cực. Sau 5 năm hoạt động, sản phẩm trái thanh long của HTX đã xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Hàn Quốc (60 tấn/năm) đồng thời cung cấp sản phẩm trái tươi cho các đối tác xuất khẩu đi các thị trường châu Âu (100 tấn/năm)… Nhờ vậy, sản xuất và thu nhập của các thành viên trong HTX ổn định, tăng cao hơn so với trước đây. Cũng từ các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, đến nay, HTX đã có 2 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao cấp tỉnh là trái thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng. HTX đã bước đầu chế biến sản phẩm thanh long sấy khô.
Việc đổi mới cách thức hoạt động, tham gia xây dựng các chuỗi giá trị, hiện nay, nhiều HTX nông nghiệp là đơn vị thành viên của Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào quá trình sản xuất như; HTX muối Thanh Phong áp dụng công nghệ cơ giới hóa vào sản xuất muối. HTX thanh long Hàm Đức áp dụng công nghệ lên men để sản xuất rượu vang thanh long. HTX công nghệ cao Bình Minh áp dụng công nghệ nhà lưới có hệ thống điều khiển bán tự động trong trồng dưa lưới...
Khó khăn lớn nhất của các HTX là thiếu vốn để đầu tư sản xuất, hầu hết đều có quy mô nhỏ. Việc tăng trưởng của các HTX nông nghiệp chưa thực sự đồng đều trên tất cả các lĩnh vực; kết quả doanh thu và lợi nhuận cao thường tập trung vào các HTX điển hình; một số HTX còn lại chưa có nhiều bứt phá…
Để phát triển kinh tế tập thể hơn nữa, Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận đã tham mưu UBND tổ chức đối thoại tháo gỡ điểm nghẽn để hỗ trợ cho các HTX phát triển; triển khai các chính sách hỗ trợ về đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các HTX...
Cụ thể, Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận đã tổ chức 44 lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 2.300 cán bộ quản lý, thành viên HTX; tổ chức cho hơn 100 lượt HTX tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị, sự kiện, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất thông qua việc xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương…
Phạm Công Luân/Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận
Những tin cũ hơn