Một số vấn đề nguồn nhân lực của các hợp tác xã thông qua công tác đào tạo kỹ năng gắn với nhu cầu của thị trường

Thứ ba - 23/08/2022 09:30

Toàn tỉnh An Giang hiện có 272 Hợp tác xã (HTX) hoạt động trên 06 lĩnh vực, bao gồm: Nông nghiệp – Thủy sản: 205 HTX; Vận tải: 27 HTX; Tiểu thủ công nghiệp: 05 HTX; Thương mại – Dịch vụ – Du lịch: 10 HTX; Khai khoáng: 01 HTX; Quỹ tín dụng nhân dân: 24 Quỹ; 02 Liên hiệp HTX Thoại Sơn và Tri Tôn.

Hội nghị thành lập Liên hiệp HTX Tri Tôn

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và chính quyền địa phương các cấp. Các HTX, Liên hiệp HTX đã đi vào hoạt động ổn định, phát triển, thu hút thêm thành viên, vốn góp và người lao động; từ đó góp phần ổn định kinh tế – xã hội tại địa phương, nâng cao mức sống và thu nhập của người dân. Cùng với đó, chủ trương liên kết HTX với doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu theo chuỗi liên kết sản xuất ngày càng phát triển rộng rãi nhằm tạo ra sản lượng nông sản đủ lớn, đồng nhất, tiết kiệm chi phí và quan trọng hơn là giải quyết vấn đề khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho nông dân được chính quyền địa phương và người dân đồng tình ủng hộ.

Trong năm 2020, Liên minh HTX tỉnh An Giang đã tổ chức 01 lớp đào tạo nghề Giám đốc trình độ sơ cấp cho 27 học viên là các Giám đốc, Phó Giám đốc các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (độ tuổi dưới 40) với 12 chuyên đề về quản trị HTX và được cấp chứng chỉ Sơ cấp nghề. Sau khoá đào tạo đến thời điểm hiện nay, đa số học viên đã vận dụng được kiến thức học được vào trong thực tiễn tại các HTX đang quản lý. Từ đó, giúp cho các HTX phát triển các dịch vụ, tăng doanh thu, lợi nhuận cho thành viên góp phần tạo thêm niềm tin vững chắc cho thành viên HTX.

Trao giấy khen cho các học viên tại Lễ tốt nghiệp lớp Sơ cấp Giám đốc HTX

Về nguồn nhân lực, các HTX có khoảng 5.276 lao động, số lao động phân bố không đều và tập trung chủ yếu ở các HTX Giao thông vận tải, Quỹ tín dụng, Thương mại – Dịch vụ – Du lịch. Số còn lại làm trong các HTX nông nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp.

Tuy nhiên, hoạt động của các HTX vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như:

Hầu hết Hội đồng quản trị các HTX đều chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về quản lý, bộ máy cán bộ HTX trên địa bàn chủ yếu trưởng thành từ cán bộ phong trào, chỉ cần họ năng động, nhiệt tình với công việc và có kinh nghiệm làm nông nghiệp thì sẽ được bầu vào Hội đồng quản trị HTX. Điều đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của các HTX trong vai trò quản lý, điều hành sản xuất.

Đa số lãnh đạo HTX đều cao tuổi, hạn chế về trình độ làm cho một số cán bộ quản lý và điều hành ở một số HTX chưa quan tâm đúng mức đến việc nghiên cứu và thi hành những quy định của pháp luật về HTX nên gặp khó khăn trong công việc tiếp cận thị trường, nhu cầu của thành viên và của khách hàng bên ngoài HTX; dẫn đến thiếu năng động trong việc mở rộng dịch vụ, thu hút nguồn vốn từ thành viên và gắn kết với các doanh nghiệp còn bị hạn chế.

Mặc dù các địa phương cũng đã vận động và đưa đi đào tạo được một số nhân sự để làm nguồn tham gia Hội đồng quản trị HTX, nhưng người dân không bầu vào Hội đồng quản trị. Đồng thời, về lâu dài sẽ khó tìm được nguồn nhân lực có chất lượng để quản lý HTX, vì trong tương lai, khi độ tuổi lao động nông nghiệp bị “già hóa” nguồn nhân lực quản lý các HTX sẽ rất khó tìm. Trong khi đó, địa phương lại không thể giữ chân được những người trẻ có trình độ, có bằng cấp tham gia vào Hội đồng quản trị  HTX. Cùng với đó, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ kế cận cũng khó có thể thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề là mức thu nhập, và phụ cấp cho cán bộ HTX hiện nay quá thấp, dẫn đến việc các HTX sẽ không thể thu hút được những người trẻ có trình độ, chuyên môn.

Từ những vấn đề khó khăn về lực lượng quản lý HTX, cho nên rất ít HTX xác định được dịch vụ cốt lõi của mình để có thể vươn lên phát triển một cách bền vững.

Trong những năm qua, các Sở, ban ngành chức năng đều tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ Kế toán, Kiểm soát cho cán bộ quản trị HTX về công tác quản lý và các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, các lớp tập huấn này chỉ mang tính bổ trợ, hướng dẫn một số kiến thức về pháp luật liên quan và bồi dưỡng một số kỹ năng quản lý, điều hành cơ bản, vì vậy hiệu quả mang lại chưa cao.

Theo Luật Hợp tác xã năm 2012, vai trò của các HTX trở nên rất quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, hoạch định chiến lược phát triển, trong đó vai trò “đầu tàu” phải kể đến đó là bộ máy quản lý HTX. Họ phải thật sự năng động, sáng tạo và mạnh dạn đổi mới. Nếu như vẫn giữ một bộ máy cũ, với cách quản lý cũ như trước đây, thì các HTX khó có sự phát triển bứt phá, trong khi chính sách, chế độ dành cho cán bộ HTX hiện nay còn chưa có sự ưu đãi đáng kể.

Trước yêu cầu phải nâng cao vai trò của HTX trong nền kinh tế, đặc biệt ở khu vực nông thôn, nếu về lâu dài không có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút người có trình độ tham gia vào việc quản lý HTX, các HTX rất khó có thể khẳng định được vai trò tổ chức, quản lý sản xuất của mình trong điều kiện kinh tế hội nhập và cơ chế thị trường như hiện nay.

Hàng năm, với chức năng, nhiệm vụ được phân công, Liên minh HTX tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng ngắn ngày cho các đối tượng cán bộ chủ chốt HTX, bao gồm: Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát/Kiểm soát viên, Kế toán với các chuyên đề: Kỹ năng quản lý, điều hành HTX; Lập kế hoạch sản xuất kinh doanh; Quản trị Marketing; Cách thức tổ chức quản lý các dịch vụ trong HTX; Xây dựng HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; Kỹ năng đọc và phân tích báo cáo tài chính; Kế toán tài chính HTX; Hướng dẫn sử dụng phần mềm Kế toán; Nghiệp vụ kiểm soát HTX; Kiểm toán nội bộ… Tuy nhiên, các lớp bồi dưỡng ngắn ngày nên lượng kiến thức truyền đạt đến Ban quản lý HTX đôi lúc chưa đạt được hiệu quả cao.

Tập huấn nghiệp vụ Kế toán HTX

Mặt khác, đội ngũ cán bộ quản lý luôn ở trong tình trạng thiếu người có năng lực và thừa người có thâm niên. Ngoài ra, sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan chuyên môn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho HTX trong những năm qua chưa được tập trung, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tế. Công tác quy hoạch, tạo nguồn nhân lực cho khu vực KTTT chưa được quan tâm thực hiện; các HTX luôn thiếu nguồn nhân lực quản lý có trình độ, năng lực và lực lượng lao động trình độ tay nghề cao vì mức lương, chế độ chính sách tương đối thấp hơn các thành phần  kinh tế khác.

Từ thực trạng về trình độ và đánh giá kết quả về công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ ở các HTX trong thời gian qua chúng ta thấy rằng, nhu cầu thực tế đặt ra cần quan tâm hơn đến công tác bồi dưỡng, tập huấn để tạo điều kiện nâng cao năng lực quản lý, điều hành, lập kế hoạch, tổ chức sản xuất kinh doanh cho cán bộ chủ chốt và chuyên môn nghiệp vụ là yếu tố quan trọng, góp phần đưa hoạt động của HTX ngày càng phát triển và kinh doanh có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường hội nhập kinh tế quốc tế.

Với những phân tích trên, để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho HTX, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, Củng cố, nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác giảng dạy về KTTT, HTX. Tập trung nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hiện có và các trường dạy nghề do Liên minh HTX Việt Nam quản lý. Đầu tư nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, chuẩn hóa hệ thống giáo trình, tài liệu đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập.

Hai là, Đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác giảng dạy về KTTT, HTX cần được đào tạo bài bản và được chuẩn hóa theo quy định. Thường xuyên, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về tình hình kinh tế – xã hội, kiến thức chuyên sâu về KTTT, HTX; tổ chức nghiên cứu thực tế, học tập kinh nghiệm các mô hình HTX điển hình trong và ngoài nước, góp phần nâng cao trình độ, kiến thức, đáp ứng yêu cầu công tác giảng dạy.

Ba là, Mở rộng đối tượng, đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của các HTX. Theo đó, ngoài việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ liên quan đến HTX, cần mở rộng ra cả đối tượng đào tạo là cán bộ phụ trách lĩnh vực phát triển KTTT, HTX ở các bộ, ngành và đội ngũ cán bộ công tác ở chính quyền địa phương trong cả nước.

Bốn là, Triển khai thí điểm, đưa cán bộ trẻ về làm việc tại các HTX nông nghiệp theo Quyết định 1700/QĐ-UBND ngày 22/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang sẽ có cơ hội thể hiện, phát huy năng lực, từ đó có tâm huyết với HTX; đồng thời các HTX phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể như: HTX hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, có hoạt động liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể. Quan trọng hơn, HTX phải có nhu cầu thực sự về con người và có phương án trả lương bổ sung cho cán bộ.

Năm là, Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trong thời gian tới, cần chuẩn hoá các chức danh trong HTX đi kèm với Chứng chỉ nghề phù hợp với từng chức danh quản lý trong HTX như: Giám đốc, Kế toán, Kiểm soát viên… theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.

Sáu là, Đưa chương trình đào tạo về KTTT, HTX vào một số trường đại học, một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các tỉnh, thành phố; đưa nội dung KTTT, HTX giảng dạy chính thức tại các lớp lý luận chính trị, lớp bồi dưỡng quản lý Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Bảy là, Tạo nguồn nhân lực bổ sung cho khu vực KTTT; nhu cầu đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ và dạy nghề theo đơn đặt hàng từ các HTX. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả sau đào tạo và khả năng áp dụng các kiến thức được học vào thực tiễn. Tổ chức các khóa tư vấn sau đào tạo, hướng dẫn trực tiếp học viên đã tham gia các khóa bồi dưỡng, đào tạo trong trường hợp học viên gặp khó khăn trong việc thực hành./.

Trần Văn Cứng (chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang)
http://lmhtx.angiang.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

bn bottom
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây