Năm học 2022 - 2023 toàn ngành giáo dục có tổng số gần 23 triệu học sinh. Năm học này được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Để chuẩn bị cho tổ chức dạy học bắt buộc môn Tiếng Anh, Tin học đối với lớp 3 từ năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương rà soát, chuẩn bị đội ngũ, phương án triển khai 2 môn học bắt buộc này, bảo đảm khi vào năm học mới, tất cả học sinh lớp 3 đều được học Tiếng Anh, Tin học theo đúng yêu cầu của Luật Giáo dục và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Lễ khai giảng ấm áp tại trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. |
Đối với lớp 10 - lớp đầu tiên triển khai theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT, Bộ GD&ĐT đã có các chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để địa phương, nhà trường triển khai việc lựa chọn môn học; chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhất là đối với những môn học nghệ thuật lần đầu tiên được đưa vào tổ chức dạy và học.
Những ngày qua, để chuẩn bị cho lễ khai giảng, nhiều địa phương, các trường đã hoàn thiện cơ sở vật chất, kịp thời bổ sung đội ngũ giáo viên để chuẩn bị đón năm học mới. Nhiều địa phương tổ chức ngày tựu trường vào ngày 22/8 với lớp 1 và ngày 29/8 với các bậc học còn lại.
Ở nhiều nơi, các giáo viên và học sinh đã chuẩn bị những tiết mục văn nghệ, sản phẩm thủ công để trang trí trong ngày khai giảng. Ở một số nơi tổ chức ngày hội thao để giúp học sinh có buổi khai giảng đáng nhớ.
Năm học mới còn nhiều thách thức
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hôm nay (5/9), học sinh trên toàn quốc khai giảng năm học mới 2022-2023, đánh dấu năm học đã bắt đầu trong tình hình mới, dịch bệnh được kiểm soát.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong một lần thăm trường học ở tỉnh Lào Cai. |
Tuy nhiên, những việc ngành Giáo dục phải làm phía trước vẫn còn đầy thách thức. Đó là thách thức của việc khắc phục hậu quả rất nặng nề của dịch bệnh để lại. Thách thức của việc đổi mới giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng, phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục đại học. Thách thức của sự vượt lên chính mình để khẳng định chất lượng giáo dục; tạo dựng thêm niềm tin của xã hội.
Ông Sơn mong muốn, toàn thể lực lượng giáo viên phấn đấu hoàn thiện bản thân và đổi mới sáng tạo để hoàn thành thật tốt công cuộc đổi mới. “Mong học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, tu dưỡng để đạt mục tiêu trở thành công dân tốt, là nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Mong quý vị phụ huynh chia sẻ với những khó khăn của ngành để có sự đồng hành, hỗ trợ mang đến kết quả giáo dục tốt nhất”, ông nói.
Cũng theo Bộ trưởng, năm học mới 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng ngành phải làm là tiếp tục củng cố kiến thức. Bù đắp, hỗ trợ những học sinh chịu nhiều thiệt thòi trong đại dịch. Đặc biệt là các cháu chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, những cháu có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mất vì dịch bệnh... “Những phần việc như: Hỗ trợ về tâm lý, bù đắp về kiến thức, củng cố các kỹ năng… sẽ là công việc quan trọng mà ngành Giáo dục phải làm trong thời gian sắp tới. Để hoàn thành được nhiệm vụ này, cần có nỗ lực lớn của toàn ngành, sự phối hợp, quyết tâm của các địa phương, các bộ, ngành liên quan”, ông Sơn chia sẻ.
Giải quyết bài toán thiếu giáo viên
Cũng theo Bộ trưởng Sơn, ngành đã xác định, muốn đổi mới về phương pháp dạy học, về kiểm tra, đánh giá, trước hết đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực về cả kiến thức, kỹ năng sư phạm. Chỉ khi nào lực lượng giáo viên thay đổi tích cực, phát triển thì nhiệm vụ đổi mới giáo dục của toàn ngành mới được thực hiện tốt.
Trước thực tế thiếu giáo viên trầm trọng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp.
Tháng 7/2022, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Đề nghị các địa phương tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như: thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng.
Về lâu dài, các địa phương phải có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026. Phía Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều cuộc làm việc với các trường sư phạm. Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ trong đào tạo sư phạm thực sự phát huy hiệu quả, cần có thêm sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía các Bộ, ngành và đặc biệt là từ phía các địa phương trong đặt hàng nhu cầu, tuyển dụng và sử dụng.
tienphong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn