Nghị quyết số 20-NQ/TW: Hỗ trợ hợp tác xã thực hiện xúc tiến thương mại và chuyển đổi số

Thứ năm - 04/08/2022 15:10

Nếu Nghị quyết 20-NQ/TW thực hiện kịp thời sẽ tạo đột phá về nhận thức về vai trò của kinh tế tập thể. Điều này sẽ khiến chất lượng và số lượng tham gia hợp tác xã tăng lên đáng kể.

Hiện thực hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới mà Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA) đóng vai trò nòng cốt, ông Nguyễn Ngọc Bảo- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: VCA tiếp tục làm tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cũng như thực hiện hiệu quả vai trò nòng cốt để hỗ trợ cho thành viên trong xúc tiến thương mại và đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi số.

 

Hợp tác xã CNC (Thừa Thiên-Huế) ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
 

Hiện tại, VCA đang thực hiện các dự án về hiện đại hóa công nghệ thông tin cũng như tư vấn về pháp luật cho các hợp tác xã; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để quảng bá hình ảnh và sự phát triển khu vực kinh tế tập thể nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ thành viên phát triển mạnh mẽ và hiệu quả. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, mới đây Ban chấp hành Trung ương Đảng đã tổng kết Nghị quyết số 13-NQ/TW khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Trên cơ sở tổng kết đó, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Có thể thấy rằng Nghị quyết có rất nhiều điểm mới và đột phá, kế thừa quan điểm, phù hợp với thực tiễn của Nghị quyết 13-NQ/TW.  Đặc biệt, nếu Nghị quyết 20-NQ/TW được thực hiện kịp thời, VCA kỳ vọng sẽ tạo đột phá về nhận thức của hệ thống chính trị và xã hội về vai trò của kinh tế tập thể. Điều này sẽ khiến chất lượng và số lượng người dân, đại diện hộ gia đình, tổ chức cũng như doanh nghiệp tăng lên đáng kể. Hơn nữa, khung khổ pháp luật cho hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã hoạt động sẽ được đổi mới sửa đổi.

Trong Nghị quyết 20-NQ/TW cũng đã chỉ rõ những bất cập và định hướng những chủ trương lớn trong việc sửa đổi Luật tạo môi trường hoạt động kinh doanh sản xuất cho hợp tác xã được thuận lợi. Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu rõ việc Nhà nước sẽ có chương trình tổng thể, dài hạn để hỗ trợ hợp tác xã phát triển; trong đó, có những chính sách về đất đai, tài chính, thuế, tín dụng, bảo hiểm, công nghệ, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền địa phương phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo đến phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển.

Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Kiên Giang, phường An Bình, thành phố Rạch Giá. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
 

Liên quan đến  những chính sách đang tồn tại và “bó buộc” kinh tế tập thể cần phải sửa đổi, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: Nghị quyết số 13-NQ/TW khóa IX đã nêu rõ các chủ trương chính sách mà Đảng, Nhà nước hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể. Tuy nhiên,  các chính sách này mới được thực hiện bước đầu, còn phân tán, manh mún, chưa có trọng tâm và Nghị quyết 20-NQ/TW có nêu cụ thể hơn. 

Hơn nữa, các chính sách này được ban hành đồng bộ trong một chương trình tổng thể nên tính kịp thời, thống nhất của hệ thống chính sách được đầy đủ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên hợp tác xã tiếp cận. Chẳng hạn, chính sách về tín dụng nêu rõ phải tăng Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi cho các thành viên và hợp tác xã như chính sách về bảo hiểm có bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm với người lao động; chính sách về tài chính liên quan đến thuế.

Ngoài ra, còn có chính sách về thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; trong đó, hỗ trợ hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là chính sách về chuyển đổi số, công nghệ cao, cung cấp thông tin thị trường cho các hợp tác xã. Vì thế, VCA hy vọng khi Chương trình tổng thể được ban hành và được pháp luật hóa các chính sách này, cùng với nguồn lực được Nhà nước bố trí sẽ phát huy tác dụng lớn.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, thực tế cho thấy các hợp tác xã và thành viên khai thác nguồn lực tự có và nghiên cứu thị trường để tổ chức sản xuất là chính còn chính sách của Nhà nước chỉ mang tính định hướng và hỗ trợ.

Hơn nữa, phần lớn các hợp tác xã hiện nay đều nhỏ lẻ nên năng lực để liên kết chuỗi giá trị rất hạn chế. Bởi vậy, nếu có được nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước sẽ gắn kết được các hợp tác xã với nhau và đem lại hiệu quả cao hơn.

Hợp tác xã Linh Phát chia sẻ quy trình trống nấm linh chi với Phó Chủ tịch Liên minh HTX Nam Định và Giám đốc Quỹ hỗ trợ Liên minh HTX Việt Nam. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
 

Bày tỏ rõ hơn việc sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW các hệ thống tín dụng cũng như ngân hàng thay đổi phương thức hoạt động hay đối tượng vay vốn để hợp tác xã dễ dàng tiếp cận, ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định: Hiện nay các thành viên, hợp tác xã đang được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng qua kênh tín dụng thương mại. Đây là kênh tương đối khó khăn, vì điều kiện để tiếp cận tín dụng thương mại và lòng tin của các tổ chức tín dụng đối với các hợp tác xã còn hạn chế. 

Ngoài ra còn có Ngân hàng Hợp tác xã, là thành viên của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Thế nhưng, thực tế Ngân hàng Hợp tác xã đang chủ yếu làm đầu mối để điều tiết, hỗ trợ cho các Quỹ tín dụng nhân dân. Còn lại thị phần tín dụng và các dịch vụ hỗ trợ hợp tác xã còn ít.

Đáng lưu ý, các Quỹ tín dụng nội bộ của các hợp tác xã chủ yếu phụ thuộc vào cơ chế do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định về tín dụng đối với nông dân, nông thôn; trong đó, có điều khoản quy định cho phép các tổ chức tín dụng cho vay không bảo đảm tài sản đối với hợp tác xã hoặc thành viên hợp tác xã ở một mức độ hợp lý.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng chỉ ra rằng: Hiện nay, Đảng, Chính phủ, Quốc hội cũng đã có những quyết sách để cụ thể hỗ trợ vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã của VCA với tổng số vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng.

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2021/NĐ-CP về khuôn khổ pháp luật cho Quỹ hoạt động. Đến nay đã có khoảng 60 Quỹ địa phương đã thành lập và hoạt động. Vì vậy, VCA đang chờ thông tư của các bộ, ngành chức năng ban hành để đồng bộ hơn. Đây cũng là một kênh tín dụng dành riêng cho hợp tác xã.

Dù vậy, số lượng vốn còn thấp so với nhu cầu của thành viên nên VCA đã và đang kiến nghị Chính phủ tăng số vốn cho vay tín chấp với lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn.

Cùng với đó, VCA cũng tăng cường làm việc, đề xuất với Chính phủ để tỷ trọng cung cấp dịch vụ tín dụng của Ngân hàng Hợp tác xã cho các thành viên hợp tác xã ngày càng nhiều hơn.

Mặt khác, VCA kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn về tín dụng nội bộ hợp tác xã để tạo điều kiện cho thành viên hợp tác xã tiếp cận được vốn nhàn rỗi./.

Uyên Hương/CTV TTXVN
vca.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

bn bottom
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây